Lễ hội ngày 15 tháng 9 âm lịch - Hội Đả Ngư
Lễ Hội Đả Ngư được tổ chức vào ngày 19 tháng 9 âm lịch hàng năm tại vùng non Tản, Ba Vì, Hà Nội, nhằm suy tôn Thánh Tản.
Bài viết nên xem
- Các lễ hội ngày 21 tháng 3 Âm Lịch - Hội Làng Lộng Khê
- Các lễ hội ngày 6 tháng 2 Âm Lịch - Hội Ngọc Xuyên
- Các Lễ hội ngày 13 tháng 11 - Hội Lỗ Khê, Hội Đền Nguyễn Công Trứ
- Các lễ hội diễn ra trong ngày 5 tháng 6 âm lịch - Hội Đình Phú Xuân
- Lễ hội ngày 13 thang 10 âm lịch - Hội Tế Trâu Ở Đền Bà
- Các lễ hội diễn ra trong ngày 17 tháng 5 âm lịch - Hội Làng Cựu Ấp
Hội Đả Ngư
Thời gian: tổ chức vào ngày 15 tháng 9 âm lịch.
Địa điểm: vùng non Tản, Ba Vì, Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn thánh tản.
Nội dung: Lễ hội đả ngư (đánh cá) - lễ hội truyền thống của vùng non Tản được tổ chức vào ngày 15/9 hàng năm, bắt nguồn từ một truyền thuyết về lần Đức Thánh Tản kéo vó trên sông Tích. Chuyện kể rằng, có một hôm Thánh Tản giả dạng thành một lão nông đi dạo trên sông Tích, đến đoạn giữa Cầu Vang (thuộc xã Đường Lâm) và Mả Mang (thuộc phường Trung Hưng) thấy một ông già ngồi kéo vó. Lúc trời đứng bóng, ông già mở cơm nắm muối vừng rồi mời Ngài cùng ăn. Cảm kích trước tấm lòng của ông, Ngài hỏi thăm và muốn giúp ông việc kéo cá. Ông già than phiền vì từ sáng đến giờ chả được con nào. Ngài vui vẻ xin ông kéo thử một mẻ. Thật kỳ lạ, khi cầm vó kéo lên ông già thấy bao nhiêu là cá, cá lớn, cá nhỏ thi nhau quẫy đành đạch làm ông hoa cả mắt. Ông sung sướng vội vàng bắt cá vào giỏ. Hai người vừa bắt vừa đếm được 99 con. Thấy đáy vó còn duy nhất một con cá trê đang mang bụng chửa, ông già đã nghe lời Ngài thả nó về sông để làm phúc. Rồi vì mải vui vì được nhiều cá, khi ngoảnh lại ông già đã không thấy vị khách qua đường đâu. Nhớ lại phong độ đạo mạo và việc làm dị thường của người khách lạ, ông biết rằng mình vừa được gặp Thánh nhân nên vội về làng loan báo tin vui. Từ đấy hàng năm, dân trong vùng lại mở hội đánh cá trên trên sông Tích, chọn 99 con cá làm lễ vật dâng lên Thánh Tản để cảm tạ ân đức của Ngài. Lại nói chuyện con cá trê, sau khi được phóng sinh đã sinh nở đầy đàn. Nhớ ơn cứu mạng, khi sắp chết, cá trê nọ đã cố bơi về gần đền Và, ngoảnh đầu bái lạy. Nơi này về sau gọi là xóm Trê.
Lễ hội Rằm tháng Chín ở đền Và hiện chỉ có năm khu phố của phường Trung Hưng là: Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai và Ái Mỗ tham gia. Từ ngày 14, dân các khu phố trên mang theo những dụng cụ đánh bắt cá ra sông Tích, đoạn từ cầu Vang đến Mả Mang, tổ chức đánh bắt cá tập thể để làm tiệc tế Thánh. Quy định: Đánh được cá trắng và là cá to thì nộp cho làng, còn cá đen hoặc cá nhỏ thì lấy. Lại quy định số cá làm tiệc tế thánh phải đủ 99 con; vì vậy, thời gian không kể lâu mau, khi nào đủ 99 con, cuộc đánh bắt mới dừng lại, những ai có cá trong số 99 con được chọn để tế thánh là người trong năm làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Theo quan niệm dân gian đây là con số thiêng như là có 99 núi Voi quay đầu về đền Hùng, 99 núi Voi quay về Chùa Hương... Con số 99 ở hội đả ngư còn nhắc chuyện con cá trê mang bụng trứng được phóng sinh năm xưa. Nghĩa cử ấy hợp với việc bảo tồn nguồn thủy sản ngày nay. Tiệc cá để tế thánh bao gồm các món: luộc, nướng, nham, gỏi và được bày làm mười mâm, một mâm cúng ông Táo, còn chín mâm chia làm ba, bày trước ba ngai Tam vị đức thánh Tản. Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần, sau khi tế xong, mọi người lại cùng nhau vui vẻ thụ lộc. Đặc biệt, trong ngày này cỗ cúng ở đây không có muối và sau khi thụ lộc xong, có tục ăn trầu không có vôi, nên mới có câu: "Hội Đền Và trầu không vôi, xôi không muối".
Hội đả ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng xứ Đoài bởi ngoài mục đích dựng lại tích Thánh Tản kéo vó, lễ hội đả ngư còn mang tính khuyến ngư cũng như giữ gìn môi trường sinh thái vùng sông Tích và như lời nhắn gửi đến các ngư dân rằng: khai thác, đánh bắt phải đi đôi với bảo tồn, phát triển để sông biển Việt Nam mãi mãi là nguồn lợi vô tận của nước nhà.