Các lễ hội ngày 20 tháng 3 Âm Lịch - Hội Tháp Bà
Các lễ hội tiêu biểu diễn ra trong ngày 20 tháng 3 âm lịch gồm có: Hội Sáo Đền, Hội La Vân, Hội Tháp Bà, các lễ hội trong tháng 3 âm
Bài viết nên xem
- Các lễ hội ngày 1 tháng 2 Âm Lịch - Hội Đức Bác
- Lễ hội ngày 11 tháng 2 âm lịch - Hội Đình Kim Giang
- Các lễ hội ngày 12 tháng 2 Âm Lịch - Hội Nút Voi
- Lễ hội diễn ra trong ngày 12 tháng 4 âm lịch - Hội Chùa Tà Và
- Các lễ hội diễn ra trong ngày 16 tháng 6 âm lịch - Hội Vàm Láng
- Các lễ hội ngày 28 tháng 1 Âm Lịch - Hội Làng Bùi
1. Hội La Vân
Thời gian: tổ chức vào ngày 20 tháng 3 âm lịch.
Địa điểm: xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Đối tượng suy tôn: Bà chúa Bèo Dâu, Quốc Sư Nguyễn Minh Không là thành hoàng làng.
Nội dung: Mở đầu hội là phần rước nước, rước thành hoàng làng, rước thánh tiếp theo là phần trình diễn nghề cấy bèo dâu truyền thống, đấu vật, múa lân, cờ tướng.
2. Hội Sáo Đền
Thời gian: tổ chức từ ngày 20 tới ngày 27 tháng 3 âm lịch.
Địa điểm: xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Đối tượng suy tôn: Nhằm suy tôn Dụ Vương Ngô Từ và bà Đinh Thị Ngọc Kế, bà Ngô Thị ngọc Dao (mẹ của vua Lê Thánh Tông).
Nội dung: Sáo Đền được biết đến với trò chơi thả diều độc đáo. Cũng như mọi lễ hội khác, ngoài phần lễ là phần hội. Phần hội với đủ các trò chơi như: chọi gà, cờ người, bắn cung, bắt vịt... và trò thi diều sáo. Đã từ hàng trăm năm nay luật chơi không hề thay đổi. Người chủ diều chọn đúng hướng gió kéo dây. Ban tổ chức cắm hai cây sào trên đầu có buộc hai lưỡi mác rất bén, cắm hai cây sào đó hai bên dây diều, khoảng cách của hai cây sào là 50cm. Việc đó được làm với tất cả cánh diều nào vào cuộc thi. Khi nghe hồi trống lệnh nổi lên, các chủ diều chỉnh diều kéo căng dây và đâm lên. Cánh diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại, dây diều sẽ chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào là đứt dây ngay. Như vậy cánh diều đó bị loại khỏi cuộc chơi, cứ thế diều nào đậu được đến ngày cuối cùng của hội thì chủ diều đó đoạt giải. Những người cao tuổi trong làng cho biết: mỗi năm chỉ duy nhất một người đoạt giải, có năm không có ai đoạt được giải diều. Thi diều phải nhờ ở gió trời, vậy mà có năm vào ngày hội mà không có gió trời hoặc gió không đủ mạnh để đâm diều sáo, đến ngày 25 mà vẫn không có gió, sáng 26 là chính hội gió chỉ hiu hiu. Mọi người đến với lễ hội đã biểu hiện tâm trạng buồn vì có lẽ năm nay không được thi và xem thi thả diều. Nhưng đúng 11 giờ 15 phút trưa ngày 26 năm đó bắt đầu có từng cơn gió và sang đầu chiều gió đã đủ để tổ chức hội thi diều. Quả thực điều này khiến nhiều người phải ngạc nhiên, khó giải thích, theo các cụ nói đó là ''gió thần'', vậy là nhờ ''gió thần'' hội Sáo Đền không năm nào bị gián đoạn.
Diều được giải nhất ngoài việc đậu đến hết hội ở giữa hai lưỡi mác thì sáo diều phải thật hay. Sáo hay là bộ sáo gồm 2 sáo trở lên, tiếng sáo trong trẻo, âm thanh giữa các sáo trong bộ sáo phải phối hợp cho nhau hài hoà, ngọt ngào, du dương... Nói về sáo, ngày xưa chơi diều còn buông bằng dây tre, làm cánh diều khung bằng 4 cây tre nối lại. Bộ sáo của chiếc diều có 2 chiếc. Chuyện còn kể lại rằng khi diều bổ xuống cánh đồng, chủ diều chưa kịp mang về, có người ăn xin đã chui được lọt vào chiếc sáo to của diều đó ngủ. Câu chuyện này được người dân nơi đây lấy làm tự hào và luôn kể cho khách thập phương về dự lễ hội.
3. Hội Tháp Bà
Thời gian: tổ chức từ ngày 20 tới ngày 23 tháng 3 âm lịch.
Địa điểm: Khu tháp Pô Nagar, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Đối tượng suy tôn: Nữ thần Mẹ xứ sở (người Chăm).
Nội dung: Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm, gồm những nghi thức chính sau:
- Lễ thay y: được tiến hành đúng giờ Ngọ ngày 20 tháng 3. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Các thành viên trong đội thay y thực hiện việc sắp xếp đồ lễ trong dinh và cởi xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và các cánh hoa có mùi thơm (5 loại). Sau khi tắm, tượng Mẹ được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng. Những bộ xiêm y sau khi thay được giặt sạch, rồi đưa ra trưng bày để du khách và nhân dân chiêm ngưỡng. Nước và khăn dùng để tắm tượng cho Mẹ xong được người dân xin về để lấy phước hoặc rửa mặt hay tắm cho trẻ con, hoặc tưới lên ghe thuyền, ... với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn, ...
- Lễ thả hoa đăng: diễn ra từ 19 giờ đến 21giờ ngày 20 tháng 3. Nến và hoa được thả trên sông để cầu siêu cho các vong linh, với hơn mười ngàn chiếc hoa đăng nhỏ và năm hoa đăng lớn ...
- Lễ cầu quốc thái dân an: bắt đầu từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 21 tháng 3, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Đây là đại lễ cầu cho đất nước thanh bình, phồn vinh, nhân dân an vui, hạnh phúc.
- Lễ cúng Ngọ, cúng thí thực: diễn ra từ 12 giờ đến 12 giờ 30 ngày 21 tháng 3 tại ngôi tháp chính, để dâng Mẫu và bố thí cho các cô hồn …
- Tế lễ cổ truyền: diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ ngày 23 tháng 3, do các cụ hào lão đình Cù Lao dâng lễ theo nghi thức cổ truyền, rất trang nghiêm.
- Lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương: diễn ra từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 23 tháng 3. Sân lễ được dựng trước Mandapa (tiền đình), mặt hướng vào điện thờ Đức Thánh Mẫu. Vật phẩm dâng cúng gồm có: hương đăng, trầu cau, rượu, vàng bạc, một phong bì đựng tiền (tiền này không bắt buộc, cúng nhiều ít là do Ban Tổ chức) và một khay để hai roi chầu. Hát thứ lễ là hát cúng Bà và hát cho thần linh xem, do các đoàn Hát Bội thực hiện. Trong lúc diễn, yêu cầu diễn viên phải diễn nghiêm túc và tích tuồng được diễn cũng phải được chọn lựa và theo dõi gắt gao. Lễ Tôn Vương được cử hành rất trang trọng trước khi tuồng kết thúc và trở thành một lệ bắt buộc phải có khi hát ở lễ hội Tháp Bà.
- Lễ Dâng hương tạ Mẫu: diễn ra từ 23 giờ đến 24 giờ ngày 23 tháng 3, để dâng hương đăng lễ tạ Mẫu.
- Múa Bóng và hát Văn: diễn ra trong suốt các ngày lễ hội. Một mùa lễ hội, trong và ngoài tỉnh có khoảng hơn 100 lượt đoàn vào tháp dâng lễ Mẫu, sau đó biểu diễn múa Bóng và hát Văn ở sân khấu trước tháp chính. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những buổi biểu diễn các tích tuồng cổ liên quan đến Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Múa Bóng là một hoạt động đặc sắc trong lễ hội Tháp Bà. Đến nay, Múa Bóng vẫn được người dân Nha Trang duy trì thực hiện trong các ngày lễ. Theo các cụ hào lão, ngày xưa xóm Bóng là nơi các vũ nữ Chăm về ở để biểu diễn Múa Bóng tại di tích và Lễ hội Tháp Bà. Tuy nhiên, ngày nay các đoàn người Chăm về dự lễ hầu như chỉ hành lễ mà ít tham gia Múa Bóng, còn các đoàn Múa Bóng trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa ít nhiều đã có những sự sáng tạo và ảnh hưởng của Hầu Đồng ở miền Trung và miền Bắc.
- Hội thi rước nước và bày mâm hoa quả dâng Mẫu: diễn ra từ 10 giờ đến 15 giờ ngày 23 tháng 3. Hội này dành cho các đoàn về dự lễ hội tháp Bà. Nước được Ban tổ chức lấy từ chùa Hang về để trong các vại đặt dưới Mandapa. Các đoàn cử người thi đội chum nước từ Mandapa rước nước lên tháp để dâng Mẫu. Mâm quả được các đoàn chuẩn bị và thi đội nào sắp xếp đẹp nhất để dâng Mẫu. Mâm lễ của đoàn nào đẹp nhất được dâng lên Mẫu ở tháp chính, các mâm còn lại sẽ được dâng ở các tháp khác trong di tích Tháp Bà Pônagar.