Lễ hội tiêu biểu trong ngày 9 tháng 9 âm lịch - Tết Trùng Cửu
Vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch có tổ chức một số lễ hội tiêu biểu như sau: Tết Trùng Cửu, Hội Côn Giang, Hội Hà Đồng.
Bài viết nên xem
- Các lễ hội ngày 14 tháng 2 Âm Lịch - Hội Làng Bát Tràng
- Lễ hội ngày 10 tháng 9 âm lịch - Hội Võng Thị
- Lễ hội diễn ra trong ngày 19 tháng 9 âm lịch - Hội An Lạc
- Các lễ hội ngày 27 tháng 12 Âm Lịch - Hội Quỳnh ở Nghệ An
- Các lễ hội ngày 6 tháng 11 Âm Lịch - Hội Phùng Cầu
- Các Lễ hội ngày 13 tháng 11 - Hội Lỗ Khê, Hội Đền Nguyễn Công Trứ
1. Tết Trùng Cửu
Thời gian: tổ chức vào ngày 9 tháng 9 âm lịch.
Nội dung: Ngày mùng 9 tháng 9 là ngày dương, tháng dương và số 9 được lập lại hai lần. Vì thế, ngày này còn được gọi là tết Trùng Dương hay tết Trùng Cửu. Lúc mới xuất hiện, Tết Trùng Cửu mang ý nghĩa chúc mừng mùa màng bội thu. Năm 221 trước Công nguyên, sau khi thống nhất đất nước Trung Hoa, nhà Tần đã tổ chức hoạt động cúng tế chúc mừng mùa màng bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước. Ngày mùng 9 tháng 9 được xem là ngày rất tốt lành trong khoảng thời gian nhà Tần và triều Tây Hán cai trị Trung Quốc và ngày tết Trùng Cửu đã ra đời từ đó.
Tuy nhiên, lịch sử đã mang đến cho tết Trùng Cửu thêm nhiều ý nghĩa khác. Vào cuối triều Đông Hán, khoảng năm 190 – 220 sau Công nguyên, đất nước Trung Quốc liên tiếp xảy ra nhiều trận bệnh dịch lớn. Trình độ y học lúc bấy giờ không thể khống chế các cơn dịch nên số người chết vì dịch bệnh tăng cao. Mọi người rất lo sợ và gom góp thực phẩm mang lên núi cao để lánh nạn. Trong số đó có một người tên Hoàng Cảnh.
Theo truyền thuyết, Hoàng Cảnh là người đã tu hành thành tiên và có phép thuật. Biết trước bệnh dịch sẽ xảy ra, Hoàng Cảnh đã thông báo với nhiều người và dặn dò rằng “Tay đeo túi đỏ đựng hạt thù du, uống rượu hoa cúc, chạy lên núi tránh họa”. Hoàng Cảnh chiến đấu với Ôn Thần dưới chân núi và đã chiến thắng Ôn Thần sau nhiều ngày chiến đấu. Từ đó về sau, tay đeo túi đỏ đựng hạt thù du, uống rượu hoa cúc và lên núi đã trở thành 3 phong tục lớn trong tết Trùng Cửu và được lưu truyền cho đến nay.
Tuy câu chuyện Hoàng Cảnh đại chiến Ôn Thần chỉ là truyền thuyết nhưng việc đeo túi thơm đựng hạt thù du phòng ngừa bệnh dịch lại mang yếu tố khoa học. Ngày Trùng Cửu diễn ra vào lúc giao mùa từ mùa thu sang mùa đông. Đây cũng là thời gian xuất hiện nhiều muỗi gây bệnh truyền nhiễm. Thù du là một loại thảo dược có độc tính nhẹ, có mùi vị nồng, có thể dùng để xua đuổi côn trùng. Cho hạt thù du vào trong túi thơm hoặc cho vào trái hồ lô có khoan nhiều lỗ nhỏ để mùi của hạt lan tỏa trong không khí, tiêu diệt côn trùng. Kỹ thuật may túi thơm và chế tác hồ lô đựng hạt thù du vẫn tồn tại đến nay, tập tục đeo túi thơm đựng hạt thù du cũng còn được giữ gìn ở một số nơi.
Theo danh y đời nhà Minh tên Lý Thời Trân, hoa cúc có công dụng chữa trị nhiều bệnh như đau mắt, chóng mặt, nhức đầu, giải phong nhiệt. Rượu hoa cúc có thể giúp tránh bị trúng gió, khử nhiệt, bổ gan sáng mắt, tiêu viêm giải độc. Rượu hoa cúc có vị đắng, người xưa cho rằng, uống loại rượu này sẽ thêm tuổi thọ nên họ gọi đây là ‘rượu trường thọ’. Phong tục uống rượu hoa cúc vẫn được bảo tồn cho đến nay ở khu vực tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ngoài uống rượu hoa cúc, ngắm nhìn hoa cúc là một trong những phong tục của tết Trùng Cửu. Hoa cúc được xem là loài hoa tượng trưng cho sự cao thượng, đại diện cho tình bạn và nét nho nhã của danh sĩ. Cúc được xem là một trong bốn loài hoa quân tử: mai - lan - cúc – trúc.
So với việc đeo túi hương đựng hạt thù du và uống rượu hoa cúc, tập tục lên núi vào ngày Trùng Cửu được nhiều người biết rõ hơn. Nhân dịp tết Trùng Cửu, nhiều người thường đến vùng ngoại thành để leo núi, thưởng ngoạn phong cảnh, hít thở bầu không khí trong lành.
2. Hội Côn Giang
Thời gian: tổ chức vào ngày 9 tháng 9 âm lịch.
Địa điểm: xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Quách Hữu Nghiêm - danh nhân văn hóa Thái Bình (thế kì 15).
Nội dung: Lễ hội có lễ rước, tế lễ. Song song với các hoạt động dâng hương là phần hội gồm: đấu võ, đấu vật, chọi gà...
3. Hội Hà Đồng
Thời gian: tổ chức từ ngày 9 tới ngày 15 tháng 9 âm lịch.
Địa điểm: xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Công Nương phu nhân - mẹ Nguyễn Uy, An Dương Vương, Nguyễn Uy, Mai Công Phúc.
Nội dung: Lễ rước từ đền mẫu về đình. Dẫn đầu đoàn rước có tiết mục múa và đánh trống ngũ liên. Rước vào ban ngày, còn lễ dang hương hoa vào ban đêm. Phần hội có các trò chơi dân gian: cờ tướng, vật, chọi gà, bắn vịt, bơi trải.