Các lễ hội ngày 16 tháng 3 Âm Lịch - Hội Đền Kim Liên
Các lễ hội tiêu biểu diễn ra trong ngày 16 tháng 3 âm lịch gồm có : Hội Gò Tháp, Hội Đền Tiên La, Hội Yên Thế, Hội Đền Kim Liên.
Bài viết nên xem
- Các lễ hội ngày 16 tháng 1 Âm Lịch - Hội Chọi Trâu
- Lễ hội ngày 16 tháng 10 âm lịch - Hội Kì Yên Ở Đền Nguyễn Tri Phương
- Các lễ hội ngày 13 tháng 3 Âm Lịch - Hội Đình Đại Yên
- Lễ hội diễn ra trong ngày 18 tháng 9 - Hội Đền Bắc Lệ
- Lễ hội trong ngày 14 tháng 9 âm lịch - Hội Đền Dinh Thầy
- Các lễ hội ngày 28 tháng 12 Âm Lịch - Hội Bạch Lưu
Một số lễ hội tiêu biểu diễn ra trong ngày 16 tháng 3 âm lịch:
1. Hội Đền Kim Liên
Thời gian: tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch.
Địa điểm: phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Cao Sơn (Nguyễn Hiền) Thần trấn Phương Nam và Qúy Minh (Nguyễn Sùng) là em ruột (tướng của Tản Viên đánh thắng Thủy Tinh, bảo về Vua Hùng).
Nội dung: Đình và đền Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn) là trấn phía Nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Đền vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ). Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền này được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ ngay khi Hoàng đế rời đô tới Thăng Long với mục đích để bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam.
Đình mang uy danh của thần Cao Sơn nên lễ hội rất náo nhiệt. Trước đây, lễ hội đình Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 - 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm (ngày sinh của Thần), sau giỗ tổ Hùng Vương. Ngoài lễ chính còn các lễ Sóc Vọng hàng tháng, lễ Kỳ An và lễ hoá vào ngày 12 tháng 8.
Những ngày này rất tưng bừng. Sáng ngày 15 diễn ra hội cắt tóc với các tay thợ trẻ vào cuộc đua tài trước sự "giám sát" kỹ lưỡng và công bằng của một ban giám khảo toàn các bậc cao niên có uy tín và tay nghề trong làng. Trống điểm ba hồi, các anh thợ trẻ dong gương ghế "vào xới" khoe tài. Từ cách choàng khăn đến cách cầm kéo, khua kéo, những đường cắt tỉa... và sau cùng là thời gian để hoàn thành một kiểu đầu đều được chấm điểm một cách tỉ mỉ. Bởi làng Kim Liên này xưa nay vẫn nổi tiếng với những "tay thợ" vừa cắt tóc, vừa múa kéo như một thứ nghệ thuật với những tiếng lách cách đều đặn và vui tai, cả cách quàng khăn đúng theo chiều gió vừa để giữ gìn sức khoẻ cho người cắt tóc, vừa thể hiện phong cách diệu nghệ và cũng để quảng bá và phát triển một làng nghề truyền thống của người Hà Nội. Sau cuộc thi là các trò chơi đẩy gậy, đập niêu… buổi tối là liên hoan ca múa nhạc.
Trong ngày chính hội (16/3), 6 giờ sáng người làng đã làm lễ Tế ở chính điện. Các bậc "bô lão" trong đội tế nam của làng thành kính đứng trước sân đình Tế Cáo với Thượng Đẳng thần Cao Sơn Đại Vương, "mở lối đi linh thiêng" để người dân bước vào ngày chính hội 16/3 âm lịch cùng những đại lễ bái rất bài bản của đội tế lễ mũ mão cân đai chỉnh tề. Vang vọng và linh thiêng còn ở tiếng thỉnh chiêng trống dứt khoát và "nặng cái tâm"... Sau đó lễ dâng hương kính cẩn diễn ra trước sân đình, rồi các dòng họ dâng những mâm cỗ cầu kỳ tái hiện ẩm thực của người Hà Nội. Đã từng có những mâm cỗ 7 tầng chất ngất, đẹp như một tác phẩm nghệ thuật nhưng mang đầy đủ ý nghĩa của mối giao hoà giữa con người và trời đất, có những mâm cỗ "khắc" ông Lã Vọng áo tơi nón lá ngồi câu cá bên bờ ao mà tất cả chỉ bằng xôi và gà...
Để làm được mâm cỗ ấy, người ta phải cầu kỳ chuẩn bị cả tháng trời. Tiếp sau đó là lễ rước với 4 kiệu: kiệu Long đình, kiệu ông, kiệu bà và kiệu võng, người dân theo địa phận của làng đi từ phố Kim Hoa đến Đào Duy Anh rồi trở về đình Kim Liên tạo nên một hình ảnh rất đẹp.
Trong lễ hội đình và đền Kim Liên còn có nhiều trò chơi truyền thống như: chọi chim, cờ người, bóng bàn, thi đấu võ thuật thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng tham gia.
2. Hội Yên Thế
Thời gian: tổ chức vào ngày 16 tháng 3 dương lịch:
Địa điểm: thị trấn Gầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Hoàng Hoa Thám (lãnh tụ nhân dân đã lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp suốt 30 năm trời).
Nội dung: Vào ngày 16 tháng 3 dương lịch. Từ tờ mờ sáng, khắp các ngả đường trong vùng Yên Thế, Tân Yên, người người kéo nhau đi hội. Từng đoàn, từng tốp... tưng bừng phấn khởi, chật cả đường đi. Tại khu tập kết, các đoàn tham gia lễ hội quần áo chỉnh tề, hoá trang... sẵn sàng chờ giờ xuất phát hành lễ.
Lễ diễu hành qua kỳ đài được cử hành để bắt đầu cho Lễ hội Yên Thế. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở lên sôi động nhất. Các đoàn quân lần lượt tiến qua lễ đài với biểu tượng và trang phục riêng của mình trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vàng trong núi rừng Yên Thế.
Sau lễ diễu hành, các trò vui được tổ chức ở nhiều địa điểm. Học sinh các trường thi cắm trại ở sườn đồi đối diện khu đồn Phồn Xương. Sới vật được mở ra và bắt đầu trong khu vực đền Thề. Các đô vật lên làm lễ xe đài và vào trận thi đấu. Các đội văn nghệ, văn công chuyên nghiệp cũng mở màn biểu diễn ban ngày cho bà con xem. Các môn thi đấu thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu quay, mô tô bay... Cứ như thế, chỗ nào trong khu vực Phồn Xương cũng thu hút rất đông người xem và tham dự. Trong khu đền Thề, chùa Lèo, đền thờ Bà Ba Đề Thám, các cụ, các già, các vãi dâng hương lễ Phật, lễ đền. Người ra người vào không lúc nào ngơi. Khu nhà trưng bày về cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng đã mở cửa phục vụ nhân dân các nơi đến hội.
Ngoài các nội dung trên, lễ hội còn có những hình khác mới được bổ như: tổ chức diễu ngựa từ đình Hả - Tân Trung (Tân Yên) lên Phồn Xương, rước từ Nhã Nam vào tham dự. Tổ chức tiết mục "Trai Cầu Vồng Yên Thế gặp gái Nội Duệ, Cầu Lim", tiết mục lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám... các tiết mục này đã làm cho nội dung của lễ hội mỗi ngày một phong phú và có bản sắc văn hóa riêng.
3. Hội Đền Tiên La
Thời gian: tổ chức vào ngày 16 tới ngày 18 tháng 3 âm lịch.
Địa điểm: xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Bát Nàn Vũ Thị Thục - một nữ tướng tài ba của vua hai Bà Trưng.
Nội dung: Lễ hội đền Tiên La được tổ chức công phu, bao gồm các nghi thức tế lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: rước kiệu, rước nước, đánh đáo, thổi sáo trúc, chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử... Ngoài ra, nhiều đoàn nghệ thuật của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận cũng đến biểu diễn các tiết mục đặc sắc như các vở chèo: Quan âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Tải - Ngọc Hoa...
4. Hội Gò Tháp
Thời gian: tổ chức vào ngày 16 tháng 3 và ngày 16 tháng 11 âm lịch.
Địa điểm: xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Đối tượng suy tôn: thờ cụ Đốc Binh Kiều và miếu chùa Bà Xứ.
Nội dung: Hàng năm tại khu di tích Gò Tháp thường tổ chức lễ hội lớn với lễ vía bà Chúa Xứ (16 tháng 3 âm lịch) và ngày giỗ cụ Đốc Binh Kiều (16 tháng 11 âm lịch) thu hút rất đông người đến tham dự. Phần lễ gồm có lễ cầu an, tế Thần Nông, lễ cúng Ông (Đốc Binh Kiều), hoặc cúng Bà Chúa Xứ. Bên cạnh phần lễ là phần hội: tổ chức múa lân, hát bội, đấu võ, trận lửa.