Các lễ hội ngày 14 tháng 4 Âm Lịch - Hội Làng Thượng Phúc
Vào ngày 14 tháng 4 âm lịch có diễn ra một số lễ hội tiêu biêu như sau: Hội Làng Thượng Phúc, Hội Đền Trèm, Hội Quang Lang.
Bài viết nên xem
- Các lễ hội ngày 2 tháng 3 Âm Lịch - Hội Bình Đà
- Các lễ hội ngày 5 tháng 1 Âm Lịch - Hội Đống Đa
- Các lễ hội ngày 11 tháng 12 Âm Lịch - Hội Đánh Cá Thờ Làng Kẻ Giáp
- Lễ hội tiêu biểu diễn ra trong ngày 4 tháng 6 âm lịch - Hội Nam Trì
- Các lễ hội ngày 1 tháng 1 Âm Lịch - Tết Nguyên Đán
- Các lễ hội ngày 6 tháng 3 Âm Lịch - Hội Làng Bắc Biên
Các lễ hội tiêu biểu diễn ra trong ngày 14 tháng 4 âm lịch:
1.Hội Đền Trèm (Chèm):
Thời gian: tổ chức vào ngày 14 tới ngày 16 tháng 4 âm lịch.
Địa điểm: Đền Trèm nằm ở vị trí bên tả ngạn sông hồng, ngay trên con đê thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Lý Ông Trọng và phu nhân của ông.
Nội dung: ở đầu là lễ rước nước sáng sớm ngày 15. Nước được lấy ở giữa dòng sông để phục vụ cho lễ tắm tượng. Sau đó là lễ rước văn (rước bài văn tế từ nhà người trưởng văn ra đình), cuối cùng là lễ tụng kinh cầu siêu do thầy chùa phụ trách tiến hành trong đêm Rằm.
Khi các nghi lễ tiến hành xong cũng là thời điểm dân làng và khách thập phương chung vui không khí hội hè: thả chim bồ câu, chèo thuyền, đánh cờ, đấu vật... Trong đó hấp dẫn nhất vẫn là hội thi thả chim và chèo thuyền. Với sự tham dự của nhiều chủ chim có khi tới dăm chục thậm chí hàng trăm đàn chim chờ đợi mở lồng tung cánh, đua tài cao thấp trong ngày hội càng làm cho không khí hội đền Trèm thêm náo nhiệt.
Từ những nghi thức và tập tục: rước nước, tắm tượng, chèo thuyền, thả chim... là hình ảnh mờ nhạt của các lễ nghi nông nghiệp xa xưa, qua đắp đổi của thời gian và các dòng văn hoá cho đến nay chỉ còn hiện diện như một thú chơi tao nhã và tinh thần thượng võ. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn riêng của một làng quê nông nghiệp ven đô.
2. Hội Làng Thượng Phúc:
Thời gian: tổ chức vào ngày 14 tháng 4 âm lịch và ngày 27 tháng 4 âm lịch.
Địa điểm: làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh trì, thành phố Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn hoàng tử Lý Thầm, thiền sư Hồ Bà Lam.
Nội dung: Thi bơi thuyền trên sông, năm thì bơi thuyền gỗ, năm bơi thuyền thúng. Thổi cơm thi, đôi nam nữ vừa đi vừa thổi cơm, vừa múa. Buổi tối có hát trống quân trên thuyền.
3. Hội Quang Lang:
Thời gian: tổ chức vào ngày 14 tháng 4 âm lịch và ngày 14 tháng 6 âm lịch (chính hội là ngày 14 tháng 4).
Địa điểm: Làng Quang Lang, xã Thụy Hải, Huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn ông Đùng - Bà Đà, bà Chúa Mối (Nguyệt Ánh) đễ tam cung phi của vua trần thánh tông.
Nội dung: Lễ hội đặc sắc với điệu múa ông Đùng, bà Đà mang đậm chất folklore - nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng. Hình ông Đùng, bà Đà được đan bằng tre mỏng, đan theo kiểu mắt cáo. Thân hình cao tới 1,5m - 2m, hình chóp nón, đường kính phía dưới rộng, đủ cho một người chui lọt vào. Sáng sớm ngày 14/4 âm lịch, các thôn trong làng mang các hình nộm ông Đùng, bà Đà vào Đền thờ bà chúa Muối để tiến hành các nghi thức tế lễ một cách nghiêm trang thành kính.
Tục chính của lễ hội là múa Đùng được diễn ra vào lúc nhập nhoạng tối cùng ngày. Trong khi múa người ta xướng vang những câu tụng ca công đức của bà chúa Muối như: "Lạy chúa! Muối của chúa năm nay được mùa lắm! Lạy chúa, lạy chúa…".
Trong lễ hội các hình nộm mang cả dáng dấp ông Đùng và bà Đà. Khi múa lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, cho ông bà có cơ hội "bày tỏ" tình cảm vui mừng với nhau. Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang "ăn nằm" với nhau. Sau đó, đoàn múa ra khỏi Đền và đi quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh Đùng bố mẹ. Dân làng đi theo nhộn nhịp, vừa đi vừa hát múa. Lúc đám rước quay về tới Đền thì dân làng vội vã xô nhau vào để lấy cho được một nan nứa trên hình nộm hai ông bà về cắm vào ruộng, vào vườn, trên thuyền để lấy may.