Các lễ hội ngày 23 tháng 3 Âm Lịch - Hội Làng Lệ Mật

Các ngày lễ trong năm 30/12/2015 497 lượt xem

Vào ngày 23 tháng 3 âm lịch có diễn ra một số lễ hội tiêu biểu như sau: Hội Chùa Bà Thiên Hậu tổ chức tại Hà Nội và Hội Làng Lệ Mật tổ chức tại TP.HCM

Các lễ hội ngày 23 tháng 3 Âm Lịch - Hội Làng Lệ Mật

Các lễ hội tiêu biểu diễn ra trong ngày 23 tháng 3 âm lịch:

1.Hội Làng Lệ Mật

Thời gian: tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch.

Địa điểm: làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Đối tượng suy tôn: nhằm tưởng nhớ Hoàng Đức Trung (thành hoàng làng họ Hoàng) có công trong việc đưa người nghèo từ làng Lễ Mật tới vùng kinh đô khẩn hoang, lập ra 13 trại ở phía tây thành Thăng Long (quận ba đình ngày nay).

Nội dung: Phần lễ của hội bao gồm: lễ rước nước từ giếng làng, rước cá chép vào đình Thánh, Rước cỗ (lễ vật) của 13 trại ở quận Ba Đình về làng dâng thần.

Phần hội đặc sắc nhất là trò múa rắn. Con rắn (được làm bằng nan tre lợp vải) tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Nhạc múa là dàn bát âm và tiếng trống nhịp đôi kết hợp dồn dập, náo nức.

Bên cạnh đó thì tiết mục thi nấu ăn món đặc sản cũng dành được sự quan tâm của rất nhiều người. rất nhiều món được trổ tài như : "tam xà đại hội" (3 loại rắn là rắn hổ mang, cạp nong, rắn ráo), "ngũ hổ chầu lâm" (cỗ 5 con ếch) và "lý ngư vọng nguyệt" (cỗ cá chép to, cỗ gỏi)…

Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (gọi là dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh đô (gọi là dân kinh quán) gặp gỡ nhau ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn đối với tổ tiên.

2. Hội Chùa Bà Thiên Hậu

Thời gian: tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch.

Địa điểm: 710 Nguyễn Trãi, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tượng suy tôn: nhằm suy tôn Bà Thiên Hậu.

Nội dung: Để chuẩn bị cho ngày lễ vía Bà, từ những ngày trước đó, ban quản trị nhà chùa đã tổ chức trang hoàng, sửa sang lại bên trong nội thất và chang đèn kết hoa ở bên ngoài. Ngay từ chiều ngày 22 tháng 3, ban quý tế tổ chức lễ cúng và với thành phần tham dự gồm có ban quản trị, những thiện tín có nhiều đóng góp công sức, tiền của cho nhà chùa, các quan khách địa phương và nhiều thiện nam tín nữ khác. Lễ vật dâng cúng gồm có heo quay, ga, ngỗng (nói chung là thức cúng mặn) cùng các loại hoa quả, bánh trái. Xưa lễ vía Bà thường phải cúng đủ “tam sanh” –heo, gà, dê làm thịt, mổ ruột và để sống. Nay thì tục lệ như vậy dâng cúng đã giảm lược hơn.

Sau lời khấn khai mạc của vị chánh tế, người phụ nữ đọc bản văn viết sẵn bằng tiếng Quảng Đông ca tụng công đức của Bà, nay nhân ngày vía bà, mọi người xin tỏ lòng biết ơn chân thành và mong sao Bà phù hộ cho mọi người, mọi nhà sống yên vui, làm ăn phát đạt, đoàn kết tương thân tương ái với nhau…Sau bài văn tế, các thành viên trong ban quản trị tổ chức bốc thăm để lựa chọn người “cầm ấn” (một chiếc ấn bằng đồng khắc cổ tự) lên trước ngai thờ Bà, đóng lên tấm giấy đỏ mang dòng chữ Khai ấn đại kết và Hợp cảnh bình an viết bằng mực xạ, để dán lên hai bên các điện thời trong chùa.

Sau nghi lễ ba tuần rượu và ba tuần trà ở nơi chính điện thì ở phía trước, nơi sân thiên tĩnh bắt đầu đốt vàng mã và đốt pháo. Khi tràng pháo dài chấm dứt, mọi người làm lễ chào Bà lần cuối, một người trong ban quản trị đi thâu nhang tận tay của từng người dự lễ, để đem đi cắm rải rác chung quanh chùa.

Bước sang ngày 23 – ngày chánh vía Bà từ 4h sáng, trong chùa, trên các điện thời, đèn nến thắp sáng choang, nhang trầm hương ngào ngạt. Sau một hồi chuông dóng lên, cửa chùa từ từ mở rộng để đón các đoàn khách đến cúng Bà. Lễ vật dâng cúng thì tuỳ hoàn cảnh và lòng hảo tâm của từng người, riêng món nhang đèn, giấy vàng bạc, giấy tiền là những lễ vật không thể thiếu, vì người Hoa quan niệm đây là quà biết dâng lên các vị thần. Ngoài phần lễ bái ở nơi chính điện thờ Bà Thiên Hậu, khách còn tuỳ theo nhu cầu và ước vọng riêng của từng người, từ việc gia đạo, đến tình duyên, con cái, từ việc cầu sức khoẻ đến chuyện buôn bán làm ăn… mà mang lễ vật tiếp tục đến cúng bái ở các điện thờ nhân vật khác.

Sau khi cúng lễ xong, thân chủ thường để lại cho nhà chùa một phần còn một phần thì mang về nhà, gọi là để “hưởng lộc thánh”. Trong khi cúng lễ, khách có thể mua ngay tại chỗ những “vòng nhang cầu an” có đường kính trung bình từ 50 đến 60cm, có loại đường kính đến 1 mét. Nhà chùa ghi tên người đó trên một miếng giấy đỏ đính kèm vòng nhang rồi treo lên trần đốt. Mỗi “vòng nhang cầu an” như thế cứ cháy suốt đêm trong vòng một tháng trời. Đây là một nét đặc trưng ở chùa Hoa, đặc biệt ở chùa Bà Thiên Hậu và chùa Ông (Nghĩa An hội quán).

Người đi lễ sau khi cúng bái thường được nhận của nhà chùa 3 tấm giấy (khổ 12 x 25cm) trên có in dòng chữ Hán và đóng triện son: “Thánh Mẫu toạ trấn, hợp gia bình an, bảo hộ an khang”. Theo cách gọi của người Hoa, đây là “rước vía Bà” đưa về nơi bàn thờ ở gia đình.

Đến chiều 24 tháng 3, lễ vía Bà kết thúc. Vào lúc đó, những đội lân cùng xuất hiện, trình diễn nơi sân chùa, rồi toả về một số ngả phố như để báo hiệu với mọi người một lễ hôi vía Bà diễn ra thuận lợi, tốt lành và hy vọng sẽ gặp nhau lại trong lễ hội năm sau.

Trước ngày giải phóng, lễ vía Bà Thiên Hậu, ngoài việc cúng bái linh đình, kéo dài cả tuần lễ, còn có các tục mê tín như xin xăm, bói toán, coi ngày, bay tiền thần… nay những tục lệ ấy đã giảm đi khá nhiều.

Chùa Bà Thiên Hậu là một ngôi chủa lớn của thành phố, là một di tích văn hoá có giá trị cao về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nếu như sự hình thành của các chùa Hoa nói chung, trong đó có chùa Bà Thiên Hậu, gắn liền với lịch sử định cư của khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, thì trên bình diện tôn giáo, tín ngưỡng, việc thờ cúng, sinh hoạt lễ hội hàng năm ở đây là một biểu hiện rõ nét quá trình hội nhập của người Hoa vào cộng đồng tổ quốc Việt Nam từ vô thức đến ý thức. Đã từ khá sớm, chùa Hoa ở thành phố không chỉ là riêng của người Hoa mà không ít chùa có sự đóng góp xây dựng của bà con người Việt, và bà con người Việt cũng chân thành chia sẻ những tín ngưỡng của bà con người Hoa. Không ít thợ thủ công, nghệ nhân người Việt đã đóng góp vào nghệ thuật xây dựng, trang trí làm tăng thêm vẻ đẹp của các chùa Hoa.